Xung đột khác Hội_Quốc_Liên

Ngoài những tranh chấp lãnh thổ, Hội Quốc Liên cũng cố gắng can thiệp trong các xung đột khác giữa và trong các quốc gia. Trong số các thành công của tổ chức, có cuộc đấu tranh chống mậu dịch quốc tế về thuốc phiện và nô lệ tình dục, và công tác của tổ chức trong việc giảm bớt khó khăn của người tị nạn, đặc biệt là tại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến năm 1926. Một trong những sáng kiến của tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ là việc thiết lập hộ chiếu Nansen vào năm 1922, đây là thẻ căn cước được quốc tế công nhận đầu tiên dành cho những người tị nạn không quốc tịch.[119]

Hy Lạp và Bulgaria

Sau một sự cố giữa lính biên phòng hai bên trong tháng 10 năm 1925, giao tranh bùng nổ giữa hai quốc gia.[120] Ba ngày sau sự cố ban đầu, quân Hy Lạp xâm chiếm Bulgaria. Chính phủ Bulgaria lệnh cho binh sĩ chỉ kháng cự mang tính biểu tượng, và sơ tán 10.00-15.000 người khỏi khu vực biên giới, ủy thác Hội Quốc Liên giải quyết tranh chấp.[121] Hội Quốc Liên lên án cuộc xâm chiếm của Hy Lạp, và kêu gọi Hy Lạp triệt thoái và bối thường cho Bulgaria.[120]

Liberia

Sau những cáo buộc về lao động cưỡng bách tại đồn điền cao su thuộc sở hữu của công ty Hoa Kỳ Firestone và những cáo buộc của Hoa Kỳ về buôn bán nô lệ, chính phủ Liberia yêu cầu Hội Quốc Liên tiến hành một cuộc điều tra.[122] Ủy ban này được đồng chỉ định bởi Hội Quốc Liên, Hoa Kỳ, và Liberia.[123] Năm 1930, một báo cáo của Hội Quốc Liên xác nhận sự hiện diện của chế độ nô lệ và lao động cưỡng bách. Báo cáo ám chỉ nhiều quan chức chính phủ bán lao động khé ước và đề nghị thay thế họ bằng người châu Âu hoặc Hoa Kỳ, tạo ra sự tức giận tại Liberia và dẫn đến sự từ chức của Tổng thống Charles D. B. King cùng phó tổng thống. Chính phủ Liberia cấm lao động cưỡng bách và chế độ nô lệ, và yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ trong các cải cách xã hội.[123][124]

Sự biến Mãn Châu

Sự biến Mãn Châu, còn gọi là "sự biến Cửu Nhất Bát" là một trong những thụt lùi lớn của Hội Quốc Liên và đóng vai trò là xúc tác cho việc Nhật Bản rút khỏi tổ chức. Theo các điều khoản của một hợp đồng cho thuê, chính phủ Nhật Bản được quyền đóng quân tại khu vực quanh đường sắt Nam Mãn tại Mãn Châu của Trung Quốc.[125] Trong tháng 9 năm 1931, một đoạn đường sắt bị quân Quan Đông của Nhật Bản làm hư hại nhẹ[126][127] nhằm tạo cớ để xâm chiếm Mãn Châu.[126][128] Quân đội Nhật Bản tuyên bố rằng các binh sĩ Trung Quốc đã phá hoại đường sắt và trả đũa bằng việc chiếm toàn bộ Mãn Châu. Họ lập ra Mãn Châu Quốc, và đến ngày 9 tháng 3 năm 1932 thì thiết lập một chính phủ bù nhìn với cựu hoàng đế Phổ Nghi là người đứng đầu cơ quan hành pháp.[129] Thực thể mới này chỉ được các chính phủ Ý và Đức công nhận, phần còn lại của thế giới vẫn xem Mãn Châu là bộ phận về pháp lý của Trung Quốc. Trong năm 1932, không quân và hải quân Nhật Bản oanh tạc thành phố Thượng Hải, gây nên sự biến Nhất Nhị Bát.[130]

Hội Quốc Liên chấp thuận một yêu cầu về việc trợ giúp chính phủ Trung Quốc, song hành trình dài bằng tàu trì hoãn các quan chức của Hội Quốc Liên. Khi đến nơi, họ đối diện với khẳng định của Trung Quốc rằng Nhật Bản xâm chiếm phi pháp, trong khi Nhật Bản tuyên bố họ hành động nhằm duy trì hòa bình trong khu vực. Bất chấp vị thế cao của Nhật Bản trong Hội Quốc Liên, Báo cáo Lytton sau đó tuyên bố Nhật Bản là thế lực xâm chiếm và yêu cầu hoàn trả Mãn Châu cho Trung Quốc. Trước khi báo cáo có thể được bỏ phiếu tại Đại hội đồng Hội Quốc Liên, Nhật Bản tuyên bố ý định tiến công hơn nữa vào Trung Quốc. Báo cáo được Đại hội đồng thông qua với kết quả 42–1 vào năm 1933 (chỉ Nhật Bản bỏ phiếu trống), song thay vì triệt thoái binh sĩ khỏi Trung Quốc, Nhật Bản quyết định rút khỏi Hội Quốc Liên.[131]

Theo Công ước, Hội Quốc Liên cần phản ứng bằng các biện pháp chế tài kinh tế hoặc tuyên chiến; song việc này không diễn ra. Đe dọa chế tài kinh tế hầu như vô ích do Hoa Kỳ có thể tiếp tục giao dịch với Nhật Bản vì quốc gia này không phải là thành viên của tổ chức. Hội Quốc Liên có thể tập hợp một đội quân, song các đại cường như Anh và Pháp lại quá bận tâm đến các sự vụ riêng của họ, như duy trì quyền kiểm soát đối với các thuộc địa rộng lớn của họ, đặc biệt là sau rối loạn của Chiến tranh thế giới thứ nhất.[132] Nhật Bản sau đó duy trì quyền kiểm soát đối với Mãn Châu cho đến khi Hồng quân Liên Xô chiếm khu vực và hoàn trả cho Trung Quốc vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai.[133]

Chiến tranh Chaco

Hội Quốc Liên thất bại trong việc ngăn ngừa chiến tranh giữa BoliviaParaguay trong năm 1932 nhằm tranh giành khu vực Gran Chaco khô hạn. Mặc dù khu vực có dân cư thưa thớt song lại có sông Paraguay, và giúp hai quốc gia nội lục này có thể tiếp cận Đại Tây Dương,[134] và cũng là một sự đầu cơ mà sau được chứng minh là không chính xác rằng Chaco sẽ là một nguồn dầu lửa phong phú.[135] Xung đột biên giới qua cuối thập niên 1920 lên đến đỉnh điểm trong một cuộc chiến tranh tổng lực vào năm 1932 khi quân đội Bolivia tiến công Paraguay tại Pháo đài Fort Carlos Antonio López ven hồ Pitiantuta.[136] Paraguay thỉnh cầu Hội Quốc Liên, song Hội Quốc Liên không có hành động khi Hội nghị Liên Mỹ đề nghị làm trung gian thay thế. Chiến tranh là một thảm họa đối với hai bên, gây 57.000 thương vong cho quốc gia 3 triệu dân Bolivia, và lấy đi 36.000 nhân mạng từ quốc gia 1 triệu dân Paraguay.[137] Nó cũng gây thảm họa về kinh tế cho hai quốc gia. Khi một lệnh ngừng bắn được dàn xếp vào ngày 12 tháng 6 năm 1935, Paraguay giành quyền kiểm soát hầu hết khu vực, và sau đó được công nhận theo thỏa thuận đình chiến năm 1938.[138]

Ý xâm chiếm Abyssinia

Hoàng đế Haile Selassie đào tẩu khỏi Ethiopia qua Jerusalem

Trong tháng 10 năm 1935, nhà lãnh đạo Ý là Benito Mussolini phái 400.000 quân đi xâm chiếm Abyssinia (Ethiopia).[139] Quân đội Ý đánh bại quân Abyssinia được vũ trang nghèo nàn và chiếm Addis Ababa vào tháng 5 năm 1936, buộc Hoàng đế Haile Selassie phải đào tị.[140] Hội Quốc Liên lên án cuộc xâm chiếm của Ý và áp đặt chế tài kinh tế trong tháng 11 năm 1935, song các chế tài phần lớn là vô ích do họ không cấm bán dầu hoặc đóng cửa kênh đào Suez (do Anh kiểm soát).[141] Ché tài của Hội Quốc Liên được bãi bỏ vào ngày 4 tháng 7 năm 1936, song lúc này Ý đã giành quyền kiểm soát các khu vực đô thị của Abyssinia.[142]

Hiệp ước Hoare–Laval vào tháng 12 năm 1935 là một nỗ lực của Bộ trưởng Ngoại giao Anh Samuel Hoare và Thủ tướng Pháp Pierre Laval nhằm kết thúc xung đột tại Abyssinia bằng cách đề xuất phân chia quốc gia thành một khu vực thuộc Ý và một khu vực của Abyssinia. Mussolini chuẩn bị chấp thuận hiệp ước, song các tin tức về thỏa thuận này bị rò rỉ. Công chúng Anh và Pháp kịch liệt phản đối hiệp ước, miêu tả nó là bán rẻ Abyssinia. Hoare và Laval buộc phải từ chức, và các chính phủ Anh và Pháp tách họ khỏi hai nhân vật này.[143] Trong tháng 6 năm 1936, mặc dù chưa có tiền lệ một nguyên thủ quốc gia diễn thuyết trước Đại hội đồng của Hội Quốc Liên, Haile Selassie phát biểu trước Đại hội đồng, kêu gọi sự trợ giúp của tổ chức trong việc bảo vệ quốc gia của ông.[144]

Khủng hoảng Abyssinia biểu thị Hội Quốc Liên có thể bị ảnh hưởng từ tư lợi của các thành viên ra sao;[145] một trong các lý do về việc các chế tài không quá khắc nghiệt là cả Anh và Pháp đều lo ngại về khả năng đẩy Mussolini và Adolf Hitler vào một liên minh.[146]

Nội chiến Tây Ban Nha

Ngày 17 tháng 7 năm 1936, Lục quân Tây Ban Nha tiến hành đảo chính, dẫn đến một xung đột vũ trang kéo dài giữa những người Cộng hòa (chính phủ quốc gia cánh tả) và những người dân tộc chủ nghĩa (bảo thủ, những phiến quân chống cộng gồm hầu hết sĩ quan của lục quân Tây Ban Nha).[147] Trong tháng 9 năm 1936, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Julio Álvarez del Vayo thỉnh cầu Hội Quốc Liên cung cấp vũ trang nhằm bảo vệ tính toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các thành viên của Hội Quốc Liên không muốn can thiệp vào Nội chiến Tây Ban Nha và cũng không ngăn chặn can thiệp từ bên ngoài vào xung đột. Adolf Hitler và Mussolini tiếp tục viện trợ cho phe dân tộc chủ nghĩa của Tướng Francisco Franco, trong khi Liên Xô trợ giúp cho phe cộng hòa. Trong tháng 2 năm 1937, Hội Quốc Liên cấm chỉ các tình nguyện viên ngoại quốc, song điều này trên thực tế chỉ là một động thái mang tính biểu trưng.[148]

Chiến tranh Trung-Nhật

Nhật Bản bắt đầu xâm chiếm toàn diện Trung Quốc từ ngày 7 tháng 7 năm 1937. Ngày 12 tháng 9, đại biểu Trung Quốc là Cố Duy Quân thỉnh cầu Hội Quốc Liên về can thiệp quốc tế. Các quốc gia phương Tây đồng tình với Trung Quốc trong cuộc đấu tranh của họ, đặc biệt là trong phòng thủ Thượng Hải, một thành phố có số lượng đáng kể người ngoại quốc.[149] Tuy nhiên, Hội Quốc Liên không thể cung cấp bất kỳ biện pháp thực tế nào; ngày 4 tháng 10, tổ chức chuyển vấn đề cho Hội nghị Hiệp ước Cửu cường.[150][151]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hội_Quốc_Liên http://www.nla.gov.au/research-guides/league-of-na... http://biblio-archive.unog.ch/detail.aspx?ID=245 http://www.unog.ch/80256EDD006B8954/(httpAssets)/3... http://www.unog.ch/80256EE60057D930/(httpPages)/02... http://www.unog.ch/80256EE60057D930/(httpPages)/03... http://www.unog.ch/80256EE60057D930/(httpPages)/12... http://www.unog.ch/80256EE60057D930/(httpPages)/77... http://www.unog.ch/80256EE60057D930/(httpPages)/84... http://www.unog.ch/80256EE60057D930/(httpPages)/B5... http://www.amazon.com/Historical-Dictionaries-Inte...